Game online và sức khỏe tâm thần
Để đạt được kết quả cao trong game, người chơi cần phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và cả…. tiền bạc
Cùng với sự phát triển của internet và xã hội hiện đại, con người ngày càng có xu hướng tăng cường tương tác với nhau qua thế giới ảo. Game online là những trò chơi điện tử, có thể chơi trực tuyến trên mạng internet.
Lợi ích của game online
Không thể phủ nhận, game cũng như các hình thức giải trí khác, làm con người có thể thư giãn sau những thời điểm học tập, lao động căng thẳng.
Tính cộng đồng trong game cũng giúp những người xa lạ ở đủ mọi vùng miền có khả năng liên kết với nhau với tính năng bang hội, gia tộc, tổ đội.
Với một số lượng nhỏ người chơi, game mang lại kinh tế (cày vàng, bán vật phẩm trong game).
Tác hại của game online đến sức khỏe tâm thần:
Trước hết, game online có khả năng gây nghiện. Các nhà làm game để tối ưu hóa lợi nhuận và lôi kéo người chơi, các game đều có thiết kế yếu tố gây nghiện. Để đạt được kết quả cao trong game, người chơi cần phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và cả…. tiền bạc. Những bản cập nhật (update) của game liên tục được tung ra nhằm duy trì những cái mới lạ, đảm bảo thêm tính hấp dẫn, tính mới lạ yêu cầu người chơi khám phá và dành nhiều thời gian hơn nữa để chơi.
Nghiện game online có những đặc điểm như sau:
- Dành thời gian cho game online lớn hơn 3 giờ mỗi ngày, liên tục trong thời gian từ 1 tháng trở lên.
- Luôn có xu hướng muốn vào chơi game, hoặc muốn tăng thời gian chơi game không kiểm soát được.
- Dành quá nhiều thời gian chơi game dẫn đến ảnh hưởng đến thời gian và giảm hiệu quả cho các công việc khác của bản thân như chăm sóc bản thân (vệ sinh cá nhân), học tập, các mối quan hệ xã hội và công việc.
- Có các hành vi nói dối, lừa đảo (để đi chơi game), thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp (để có tiền chơi game).
- Sử dụng tiền vào game mất kiểm soát (để mua thời gian chơi hoặc vật phẩm).
- Không từ bỏ được mặc dù đã biết tác hại của game.
Dẫn người chơi đến rối loạn trầm cảm - lo âu
Thể hiện ở những điểm sau:
- Luôn mệt mỏi, cảm giác mất năng lượng hoặc nghỉ ngơi khó lại sức (do ngồi chơi game kéo dài và liên tục làm cơ thể suy yếu).
- Buồn chán, bi quan, cảm giác cô đơn.
- Bồn chồn, bất an.
- Mất các hứng thú với các thú vui, sở thích cũ, không muốn làm gì khác, mọi thứ chỉ dồn vào game.
- Khó khăn trong kiểm soát: Dễ cảm thấy bực dọc, cáu gắt, dễ bùng nổ, gây gổ dù chỉ là những chuyện rất nhỏ.
- Xu hướng chống đối với người thân hoặc đồng nghiệp.
- Cảm giác vô dụng, người thừa hoặc là người có lỗi, có tội.
- Xu hướng muốn bạo lực hoặc tự sát.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Chán ăn, ăn ít.
Tác động xấu đến cuộc sống người chơi
- Việc tăng thời gian vào thế giới ảo làm ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ của người chơi trong xã hội: Mâu thuẫn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
- Bỏ học, thất nghiệp.
- Nợ nần, cầm cố, trộm cắp.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe (giảm thị lực, giảm miễn dịch, rối loạn tiêu hóa, rối loạn khả năng tình dục...).
Nguồn: BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương
Nhận xét
Đăng nhận xét